Chủ động phòng chống dịch trong chăn nuôi, thực hiện tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2016

06/03/2016 18:00
Theo thống kê, thị xã Đông Triều là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn trong tỉnh với trên 3.200 con trâu, gần 2.300 con bò, gần 89.000 con lợn và trên 725.000 con gia cầm (số liệu thống kê tháng 01/2016) nên khả năng phát sinh các ổ dịch luôn tiềm ẩn. Với phương châm phòng bệnh là chính, thị xã đã chủ động triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch đối với đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, trong đó chú trọng công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm để phòng chống dịch có hiệu quả, không để dịch lây lan, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển; ngăn chăn một số bệnh nguy hiểm lây từ gia súc, gia cầm sang người, đảm bảo sức khoẻ và tính mạng cho mọi người dân. Đồng thời, thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm còn góp phần nâng cao ý thức cho các hộ chăn nuôi về lợi ích, tác dụng của việc tiêm phòng để tự giác tham gia việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trong gia đình, ở mỗi hộ và trang trại tập trung; chấp hành nghiêm qui định của nhà nước về Luật Thú y.

Thực hiện kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm năm 2016, UBND thị xã sẽ tổ chức tiêm phòng đợt 1 năm 2016 từ trung tuần tháng 3 (16/3) và hoàn thành tiêm phòng vắc xin đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm vào ngày 30/5/2016.

Đối tượng tiêm phòng vắc xin phòng bệnh gồm: Tiêm phòng bệnh Dại cho toàn bộ đàn chó trên địa bàn thị xã; tiêm phòng bệnh Tụ Huyết Trùng cho Trâu, bò, dê cừu; tiêm phòng bệnh Lở Mồm Long Móng cho trâu, bò, dê cừu, Lợn nái, lợn đực giống; tiêm phòng  bệnh dịch tả cho toàn bộ đàn lợn trên địa bàn; bệnh tai xanh tiêm cho đàn Lợn nái, lợn đực giống và tiêm phòng vắcxin cúm cho toàn bộ đàn gia cầm.

Thời gian tiêm phòng cụ thể như sau: Từ 16/3 đến 31/3: Tiêm phòng bệnh tai xanh cho lợn; Từ 1/4 đến 15/4: Tiêm phòng bệnh dại cho chó; Từ 16/4 đến 30/4: Tiêm phòng bệnh cúm cho gia cầm; Từ 1/5 đến 15/5: Tiêm phòng bệnh LMLM cho gia súc và THT trâu, bò; Từ 15/5 đến 30/5: Tiêm phòng bệnh tả lợn.

 

 

Tiêm phòng cho đàn lợn

 

UBND thị xã đã chỉ đạo công tác tiêm phòng phải đảm bảo đúng kỹ thuật, không để lãng phí vắc xin và thực hiện tốt kế hoạch thị xã giao. Phải có sổ sách theo dõi việc xuất nhập vật tư, vắc xin. Danh sách tiêm phòng phải có xác nhận của từng hộ chăn nuôi, trưởng thôn, thú y viên, UBND xã, phường. Khi tiêm phòng xong phải cấp giấy ngay giấy chứng nhận tiêm phòng cho chủ nuôi để làm căn cứ cho việc hỗ trợ, việc kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm (nếu có). Khi kết thúc tiêm phòng, các xã, phường báo ngay với Phòng Kinh tế, thành lập đoàn đến nghiệm thu kết quả tiêm phòng, tiêu huỷ vỏ lọ.

Hiện nay, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp để bảo đảm chăn nuôi phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm là nhiệm vụ quan trọng mà cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện và toàn thể nhân dân tham gia. Do đó, để thực hiện tốt công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2016, Phòng Kinh tế cần phối hợp với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp chuẩn bị đầy đủ các loại Vắc xin, dụng cụ, vật tư phục vụ cho công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm trên địa bàn thị xã; UBND các xã, phường tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm nhanh, gọn, tập trung đảm bảo thời gian quy định, đạt hiệu quả và chỉ tiêu được giao./.


CTV: Dương Vân


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 814
Đã truy cập: 5262833