Chùa Ngọa Vân, xưa và nay thế nào?

10/11/2013 15:00
Ngọa Vân là một cụm di tích nằm trong tổng thể khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều với những giá trị rất đặc biệt. Nơi đây chứ không phải là Yên Tử, xưa kia đã được Trần Nhân Tông chọn để tu hành và viên tịch. Dấu vết những công trình cũ sau này đều chìm lấp trong lòng đất, gần đây đã được các nhà khoa học tiến hành khảo cổ, nghiên cứu để có cái nhìn tổng thể về diện mạo xa xưa, đồng thời làm cơ sở để phục dựng lại, mà gần nhất sẽ là chùa Ngoạ Vân (chùa Trung) ở lưng chừng ngọn Bảo Đài sơn hoang vu.

Dấu tích chùa Ngọa Vân, kiến trúc đầu thế kỷ XX.

Dấu xưa còn lại

Những điều tra, nghiên cứu khảo cổ học những năm gần đây của Viện Khảo cổ học và huyện Đông Triều tại cụm di tích Ngọa Vân đã phát hiện 12 điểm có dấu vết di tích kiến trúc, chia thành 4 khu là Ngọa Vân, Thông đàn, Đá Chồng và Ba Bậc. Đặc biệt, chùa Ngọa Vân (xã Bình Khê) chính là nơi vua Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật. Khu Thông đàn 1 có hai ngôi tháp thờ Phật và thờ Viên Mãn Chân giác thiền sư đã bị đổ nát do thời gian và cả những kẻ săn tìm của quý trong lòng tháp. Hình dáng và trang trí của hai toà tháp này hoàn toàn giống với các tháp có cùng cấu trúc ở Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) và Thanh Mai (Hải Dương), từ đó xác định niên đại của nó cũng vào thế kỷ 18.

Khu vực chùa Ngọa Vân xưa (còn gọi là khu chùa đổ) đã phát hiện dấu vết kiến trúc của các thời. Gần nhất là thời Nguyễn, ngoài kiến trúc chùa xây bằng đá vào đầu thế kỷ 20 (thường gọi là nhà Mẫu) có mặt bằng hình chữ nhật thì đã phát hiện thêm dấu vết nền móng của hai công trình kiến trúc khác, được xây dựng theo lối trình tường bằng đất, chịu lực bằng hệ thống cột đơn giản, mái có lẽ được lợp cỏ. Các công trình xây dựng vào thời Lê Trung Hưng tách biệt thành hai giai đoạn (thời gian Thiền sư Đức Hưng chủ trì đầu thế kỷ 18) và giai đoạn sau đó. Giai đoạn đầu còn lại dấu vết tương đối rõ ràng và đầy đủ, có 3 khu phân bố từ chân núi lên đến đỉnh, bao gồm: Khu sinh hoạt của nhà chùa ở chân núi (nhà tăng); khu chùa chính ở giữa và khu tịnh thất ở trên đỉnh (khu am - chùa Ngọa Vân hiện nay). Trong đó, khu chùa chính có tổng mặt bằng khoảng 1.000m2 được hình thành do việc đào núi, kè nền kiên cố; riêng phía Bắc đào sâu vào thân núi. Đặc biệt, tại khu vực chính giữa đã xác định được dấu vết của hai kiến trúc xếp liền nhau theo hình chữ Nhị. Khu tịnh thất nằm trên đỉnh ngọn núi này, ở đây hiện còn dấu vết một kiến trúc hình chữ nhật chạy dài theo sườn núi.

Ngược lại, giai đoạn thứ hai các dấu vết không rõ ràng, có thể đã bị phá vỡ nên không thể xác định rõ cấu trúc tổng thể. Khu chùa chính đã thay đổi hoàn toàn, các khu nhà tăng, khu tịnh thất chưa tìm thấy. Tại khu chùa chính đã tìm thấy dấu vết hai móng tháp, nằm đè lên nền kiến trúc ở giai đoạn 1. Gạch xây móng tháp có nhiều loại, chủ yếu gạch thời Bắc thuộc, gạch thời Trần và gạch thời Lê Trung Hưng. Lòng tháp đã bị kẻ gian đào xới để tìm của, các lọ tro cốt đã được nhà sư trụ trì chùa hiện nay táng vào trong hai tháp gạch mới được xây gần đây. Vị trí 1 tháp nằm gần như chính giữa khu đất, có thể được xây bằng đá với cấu trúc hình dáng giống như tháp ở Thông đàn 1. Dấu vết hai móng tháp tại đây đã lý giải về nguồn gốc các cấu kiện tháp được dùng để xây nhà Mẫu vào thời Nguyễn và để kê xếp bậc lên xuống ở khu vực tịnh thất sau này. Đồng thời cũng giải thích vì sao trên một khu đất đẹp như vậy, chùa thời Nguyễn lại không nằm ở chính giữa mà lại lệch hẳn về phía Tây, chính là để không xây đè lên 2 tháp mộ có từ trước.

Khu vực chùa Ngọa Vân hiện nay được khảo sát nhằm tìm kiếm dấu vết Phụng Phật tháp được xây dựng dưới thời Trần, và trả lời nghi vấn về việc có hay không một toà tháp nữa ở đây. Kết quả cho thấy chưa có manh mối nào về Phật hoàng tháp của thời Trần tại đây. Dưới thời Lê Trung Hưng chỉ có hai tháp là Đoan Nghiêm tháp và Phật Hoàng tháp vẫn còn đến ngày nay.

Và tương lai...

Cụm di tích Ngọa Vân giờ vẫn giữ được nhiều nét xưa hoang sơ dù vài năm gần đây đã có không ít du khách tìm về hành hương, chiêm bái. Huyện Đông Triều đã huy động xã hội hoá từ các doanh nghiệp trên địa bàn để mở rộng, bê tông hoá con đường đất dẫn vào chân di tích, làm bậc để lên các điểm di tích. Đặc biệt, giữa năm 2012 thì hai ngôi tháp cổ tại Thông đàn 1 đã được trùng tu lại, giữ được những giá trị nguyên gốc của di tích. Khu tịnh thất cũng được cán bộ, giáo viên ngành giáo dục huyện tháo dỡ những công trình phụ, di chuyển xuống dưới để trả lại vẻ nguyên sơ của di tích.

Và sắp tới đây, việc phục dựng chùa Ngọa Vân (chùa Trung) tại khu chùa đổ hứa hẹn sẽ tạo diện mạo mới cho cụm di tích này. Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh, người trực tiếp khai quật tại chùa Trung cho biết: “Khi thiết kế xây dựng chùa Trung, có ý kiến cho rằng phải xây nhà Tổ ở lưng chừng ngọn Ngọa Vân, và có tam quan ở cửa vì chùa là phải có đủ tam quan, tam bảo và nhà tổ. Nhưng đó là chùa nằm riêng biệt ở đồng bằng, còn  Ngọa Vân là một quần thể mà không gian không chỉ bó buộc ở chỗ đó. Vị trí gọi là chùa Trung ấy chính là vị trí của chùa; nhà tổ và vườn tháp chính là am - chùa hiện nay, vì vậy ở đấy mới có tháp Phật Hoàng, Đoan Nghiêm Tháp, ba bệ đá hoa sen chính là ba bệ Tam Tổ làm dưới thời Lê Trung Hưng. Nếu xây dựng theo kiểu ở đây phải có cả nhà tổ, tam quan thì bằng khoanh nhỏ Ngọa Vân lại và tách biệt nó ra khỏi quần thể Ngọa Vân. Những góp ý của tôi sau này đã được huyện tiếp thu, có chỉnh sửa một phần”.

Theo Quyết định số 2704 của UBND tỉnh ngày 8-10-2013, chùa Ngọa Vân sẽ được tôn tạo trên nền móng cũ, tại vị trí trung tâm của núi Vây Rồng, theo lối kiến trúc truyền thống. Công trình được tu bổ trên diện tích 2.700m2, tổng mức đầu tư 83,554 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục như: Tam bảo, nhà Tổ, nhà tăng - nhà khách, cổng chùa, am hoá vàng, nhà trưng bày khảo cổ, vườn tháp... Trong đó, Tam bảo gồm 2 nếp nhà, hình chữ nhật, có kết cấu 3 gian, 2 chái, sử dụng hệ khung mái bằng gỗ lim, lợp ngói mũi hài, ngói chiếu có hoa văn chữ thọ. Bờ nóc, bờ dải, đầu đao con giống được làm theo kiến trúc truyền thống. Chùa bằng đá xây thời Nguyễn sẽ được giữ lại làm vườn trưng bày khảo cổ, trưng bày các di vật tìm thấy qua các lần khảo cổ tại đây. Vườn tháp sẽ tu bổ lại hai mộ tháp và di dời tro cốt cũ về đây...



Baoquangninh.com.vn - CTV Ngọc Mai


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 3057
Đã truy cập: 5115271