Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều phần lớn đều được xây dựng từ thế kỷ XIII - XIV và toạ lạc trên vùng đất có "non bình thuỷ tụ" với diện tích khoảng 15km2 từ núi Đạm Thuỷ đến núi Ngoạ Vân, thuộc các xã: Thuỷ An, Tràng An, An Sinh và Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đây là khu di tích còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hoá quan trọng của triều đại nhà Trần và có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá nghệ thuật của dân tộc, góp phần quan trọng để huyện Đông Triều tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
Ngày 07/02/2013, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh[2], qua đó không chỉ khẳng định vị thế, giá trị đặc biệt của di tích, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, góp phần bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Đây cũng là cơ hội và động lực mới góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”; phấn đấu xây dựng Đông Triều trở thành thị xã trước năm 2015.
Đồng thời, huyện Đông Triều đã xác định một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá trong năm 2013 là phát triển văn hoá xã hội, tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tuyên truyền thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh". Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động xã hội hoá trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá cách mạng trên địa bàn theo quy hoạch. Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử văn hoá Nhà Trần tại Đông Triều là di tích Quốc gia đặc biệt; kết nối với cụm di tích – danh thắng Yên Tử - Uông Bí và Bạch Đằng - Quảng Yên, trở thành Trung tâm du lịch tâm linh của Quảng Ninh. Trước mắt, lập và triển khai dự án đầu tư xây dựng chùa Ngoạ Vân bằng nguồn vốn xã hội hoá.
Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy có hiệu quả Cụm di tích lịch sử văn hoá nhà Trần tại Đông Triều trong giai đoạn hiện nay, cần phải thực hiện, tuân thủ một cách nghiêm ngặt quy hoạch đã được phê duyệt; bảo vệ toàn vẹn giá trị gốc của di tích; tập trung đầu tư, phục hồi, tôn tạo, chống xuống cấp của các di tích; đẩy mạnh công tác xã hội hoá, tuyên truyền quảng bá, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chung tay bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích; giáo dục nâng cao nhận thức, định hướng để cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng di tích tham gia bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích thông qua hoạt động kinh tế du lịch, phát triển làng nghề truyền thống, đảm bảo điều kiện sinh sống tốt hơn, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn và phát huy di tích của người dân.
Việc bảo tồn, tôn tạo cụm di tích lịch sử văn hóa nhà Trần ở Đông Triều là nghĩa cử tri ân tổ tiên, giáo dục lòng tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước; đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng để phát triển du lịch tâm linh, đáp ứng nhu cầu trở về với cội nguồn dân tộc của đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách bốn phương.
Khu di tích Đền thờ và lăng miếu các vua Trần đã được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1962.