Thái Lăng - Lăng mộ đầu tiên của vua Trần ở quê gốc Đông Triều

27/03/2013 08:00
(Theo QuangNinh.online):Vùng đất An Sinh (huyện Đông Triều) chính là quê gốc của nhà Trần. Vì vậy, ở đây có một hệ thống di tích lịch sử, văn hoá rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là di tích về lăng mộ các vua Trần. Cùng với các cụm di tích chùa Hồ Thiên, am Ngoạ Vân, chùa Quỳnh Lâm v.v.. các khu lăng mộ vua Trần ở xã An Sinh đã cho thấy Đông Triều từng là một trung tâm văn hoá hết sức quan trọng thời nhà Trần. Hiện nay, ở các khu lăng mộ này còn để lại rất nhiều những dấu tích có giá trị lịch sử, với mặt bằng tương đối nguyên vẹn. Đặc biệt là Thái Lăng, khu lăng mộ của vua Trần Anh Tông. Ngoài công trình lăng tẩm và miếu thờ được xây dựng năm 1320, là nơi an táng vua Trần Anh Tông (1276-1320), đây còn là nơi phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái Hậu (1332) ở trên quả đồi có tên gọi là đồi Táng Quỷ (hay như dân địa phương vẫn quen gọi là đồi Vua) thuộc xã An Sinh. Theo sử sách ghi lại, khu lăng mộ vua Trần Anh Tông này là khu lăng mộ đầu tiên được nhà Trần xây dựng ở  Đông Triều.

Thái Lăng nằm trên đỉnh một quả đồi thấp trong một thung lũng. Ba mặt đông, tây và bắc được bao bọc bởi các dãy núi cao, có suối phủ Am Trà chảy ngang từ phía đông qua phía tây, hội nước ở trước mặt tạo nên thế minh đường tụ thuỷ và phía xa đằng trước có núi thấp làm bình phong... Có thể nói, đây là vị trí rất đắc địa về mặt phong thuỷ. Vào những năm cuối thập kỷ 70, đầu 80 của thế kỷ XX, huyện Đông Triều đã thi công hồ Trại Lốc để giữ nguồn nước từ trên núi cao đổ xuống phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các xã phía tây huyện. Do đó, khu đồi Táng Quỷ, nơi có di tích Thái Lăng toạ lạc, đã nằm giữa lòng hồ Trại Lốc...

Trong khoảng thời gian từ 2007-2010, Viện Khảo cổ học đã 3 lần khai quật khu di tích. Trên bề mặt diện tích 3.538m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích kiến trúc lăng có cấu trúc không gian gồm 3 cấp nền hình chữ nhật, nằm chồng xếp và lồng vào nhau. Trong đó, cấp nền thứ hai là cấp nền có nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng nhất, có hệ thống đường đi, thềm bậc đá vôi có lan can chạm rồng, chạm hình sấu; hệ thống chân tảng đá cùng nhiều di vật khác, như: Bia đá, ngói mũi sen đơn và sen kép; các mảnh lá đề trang trí rồng phượng gắn trên ngói úp nóc hay trên lưng ngói ống lợp ở triền mái; nhiều gạch ngói vỡ thời Trần, Lê, Nguyễn v.v.. Cấp nền thứ ba ở tầng trên cùng, nơi cao nhất, là vị trí đặt huyệt mộ vua Trần Anh Tông (gọi là tẩm).

Đầu năm 2012, dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Thái Lăng chính thức được khởi công. Hiện nay các nhà thầu (gồm liên danh các đơn vị Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình văn hoá đô thị Hà Nội, Công ty CP Xây dựng Đức Thịnh, Công ty CPTM Sơn Dầu) đang khẩn trương thi công công trình. Với việc đầu tư tôn tạo này, cùng với các di tích nhà Trần khác, Thái Lăng sẽ là một trong những điểm di tích lịch sử - văn hoá hấp dẫn ở vùng đất Đông Triều trong tương lai...



baoquangninh.com.vn


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 3197
Đã truy cập: 5115411