Thu lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm từ mô hình trồng vải u trứng ở Đông Triều

28/05/2023 16:55

Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật và chăm sóc kỹ lưỡng từng gốc vải, nên, mô hình trồng vải u trứng của gia đình anh Nguyễn Văn Tiên ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh năm nào cũng được mùa, được giá. Với số lượng khoảng 300 gốc cây vải u trứng được trồng trên diện tích khoảng 1ha đất đồi, vụ thu hoạch vải u trứng năm nay của gia đình anh Tiên cũng hứa hẹn sẽ cho thu lãi khoảng gần 200 triệu đồng. Ngoài làm giàu cho bản thân, gia đình anh Tiên còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác ở địa phương.

Vườn vải của gia đình anh Tiên cho năng suất và chất lượng cao


Về thôn Trại Lốc (xã An Sinh), hỏi người dân nơi đây về anh Nguyễn Văn Tiên thì ai cũng khen ngợi anh Tiên là thanh niên trẻ nhưng có ý chí, khả năng thông minh sáng tạo trong lao động sản xuất và cũng rất cần cù, chăm chỉ. Anh Tiên là một trong những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi của xã An Sinh.

Đến thăm vườn vải u trứng của gia đình anh Tiên vào những ngày chính vụ thu hoạch với chùm vải trĩu quả và mọng nước, chúng tôi được anh Tiên tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hưng Yên. Năm 2012, sau khi xây dựng gia đình với vợ tôi ở xã An Sinh, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh thì tôi bắt đầu chuyển về đây sinh sống lập nghiệp. Cơ duyên mà tôi gắn bó với mô hình trồng vải u trứng là nhờ thừa hưởng diện tích đất đồi, số lượng gốc vải có sẵn và kinh nghiệm truyền dạy của bố mẹ vợ tôi. Tuy nhiên, năng suất sản lượng quả vải mỗi năm cũng có thay đổi khác nhau do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết cùng cách chăm sóc. Do vậy, bản thân tôi cũng phải thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm để có cách chăm sóc phù hợp, làm sao cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.

9 tấn sản lượng quả vải của gia đình anh Tiên hứa hẹn cho thu lãi khoảng gần 200 triệu đồng

Mô hình trồng vải u trứng của gia đình anh Nguyễn Văn Tiên được phát triển kế thừa trên nền tảng của bố vợ anh là ông Nguyễn Văn Thành, một trong những hộ dân có kinh nghiệm trồng vải nhiều năm nay của xã An Sinh. Ban đầu, ông Thành – bố vợ của anh Tiên trồng là vải thiều. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm và biết được giống vải u trứng có nhiều ưu điểm hơn về quả to, mã đẹp, chất lượng vượt trội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng và giá bán cao, năm 2003, ông Thành đã quyết định chuyển đổi sang trồng vải u trứng bằng cách cắt ghép cành vải u trứng trên 300 hốc cây vải thiều. Đến năm 2012, khi con gái của ông Thành là chị Nguyễn Thị Nguyệt kết hôn với anh Nguyễn Văn Tiên thì gia đình ông Thành đã quyết định cho vợ chồng anh Tiên, chị Nguyệt toàn bộ diện tích trồng vải u trứng này để phát triển kinh tế, lập nghiệp.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Tiên chia sẻ thêm: “Giống vải u trứng này ra hoa vào thời điểm khoảng cuối tháng 11 âm lịch và cho thu hoạch quả vào thời gian cuối tháng 3 âm lịch năm sau. Đây là giống vải dễ chăm bón, quả chín nhanh nên rất ít sâu bệnh. Tuy nhiên để vải cho năng suất cao, người trồng cần phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật các khâu chăm bón khi vải ra hoa, đậu quả non và sau khi thu hoạch quả xong. Thời gian trước đây, trồng vải không mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân ở xã An Sinh và các xã khác của thị xã Đông Triều đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả khác. Nhưng với kinh nghiệm lâu năm và sự kiên trì, bám trụ với cây vải, nên, mô hình trồng vải u trứng của gia đình tôi trong những năm gần đây đều đảm bảo về năng suất, mẫu mã, chất lượng quả và giá bán”.

Ngoài làm giàu cho bản thân, gia đình anh Tiên còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác ở địa phương


Chị Ngô Thị Dần – Một tiểu thương vẫn thường xuyên thu mua quả vải của gia đình anh Tiên và cô Đào Thị Yêm – Một trong những lao động đã gắn bó nhiều năm tại vườn vải của gia đình anh Tiên cho biết: “Năm nào cũng vậy, vườn vải của gia đình anh Tiên đều cho năng suất và chất lượng cao. Quả vải không chỉ đẹp về mẫu mã, mà còn mọng nước ăn ngọt, cùi vải thơm, không sâu cuống, được khách hàng ưa chuộng. Chúng tôi thấy, cách mà anh Tiên áp dụng trong chăm bón quả vải là sử dụng phân gà ủ hoai mục mỗi năm bón hai lần, đồng thời kết hợp bón thêm đạm, lân và kali cho vải sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng vải, gia đình anh Tiên đã thường xuyên tạo việc làm, sản phẩm tốt để người dân và người kinh doanh như chúng tôi có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Hiện, thị xã Đông Triều là một trong những địa phương được xem là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, có diện tích trồng cây ăn quả lớn với đủ các loại cây. Những năm qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và mở rộng diện tích cây trồng luôn được thị xã Đông Triều chú trọng quan tâm. Đồng thời, thị xã Đông Triều cũng luôn sát cánh trong việc định hướng, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp giải bài toán đầu ra và giá thành sản phẩm để người nông dân yên tâm, gắn bó với các mô hình trồng cây ăn quả.

Mặc dù, vụ vải năm nay của gia đình anh Tiên cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của thời tiết, song do hội tụ đủ các yếu tố để khắc phục đối phó với khó khăn, 1ha vải u trứng của gia đình anh Tiên năm nay vẫn tiếp tục được xem là được mùa. Với giá bán đầu mùa là 40 ngàn đồng/kg và giá bán dao động hiện nay từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg, 9 tấn sản lượng quả vải của gia đình anh Tiên cũng hứa hẹn cho thu lãi khoảng gần 200 triệu đồng, cao hơn nhiều một số loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích.

Trên cơ sở nền tảng hiện có, anh Nguyễn Văn Tiên dự định trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục tích lũy kinh nghiệm từ thực tế, học hỏi bí quyết của người trồng vải lâu năm để áp dụng vào sản xuất, nhằm đảm bảo cho cây vải sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, anh cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cho các hộ trồng vải tại địa phương với mong muốn người trồng vải có thêm nhiều mùa vụ bội thu và có thêm mức thu nhập cao hơn nữa. Và từ đó sẽ chung tay góp phần vào phát triển lâu dài trong quá trình mở rộng diện tích đất trồng cây ăn quả ở địa phương.

Trần Thuyết


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 3010
Đã truy cập: 7052826
Câu hỏi khảo sát

Á