Hiện, gia đình chị Đức có 10 ha diện tích rừng trồng cây bạch đàn lấy gỗ.
Gia đình chị Dương Thị Đức ở thôn Linh Tràng là một trong những tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực của thanh niên trẻ tuổi ở xã Tràng Lương trong phát triển mô hình kinh tế trồng rừng. Ngoài công việc của giáo viên dạy học, chị Đức còn là một trong những gương điển hình về quyết tâm làm giàu bằng sức lao động, bằng việc tự học của bản thân, mạnh dạn ứng dụng mô hình làm ăn mới và thành công trên chính mảnh đất quê hương.
Hiện, gia đình chị Đức có 10 ha diện tích rừng trồng cây bạch đàn lấy gỗ. Từ năm 2015 sau khi chuyển đổi sang phát triển trồng cây bạch đàn lấy gỗ, giống mới, gia đình chị Đức đã thu được nguồn lợi nhuận cao hơn. Với thời gian sinh trưởng từ 3,5 đến 5 năm cho thu hoạch, mỗi ha rừng của gia đình chị Đức cũng cho thu lãi từ 100 đến 120 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí.
Ngoài phát triển kinh tế trồng rừng, chị Đức còn mạnh dạn kinh doanh bán các loại cây giống và phân bón để cung cấp cho bà con nông dân trong xã. Theo chị Đức chia sẻ, từ phát triển mô hình kinh tế này, gia đình chị cũng đã tạo việc làm theo thời vụ cho một số lao động địa phương và quan trọng nhất là đem lại thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của gia đình.
Hiện, gia đình anh Sơn đang chăn nuôi 2000 con gà thương phẩm.
Sinh ra và lớn lên tại thôn Trung Lương, xã Tràng Lương, anh Vũ Ngọc Sơn cũng là gương điển hình về thanh niên mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế ở địa phương.
Sau khi học xong phổ thông, anh Sơn cũng từng đi xin việc làm ở một số doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Đông Triều. Nhưng với trăn trở là làm thế nào để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương để cải thiện kinh tế gia đình, năm 2022, anh Sơn đã quyết định dồn toàn bộ số vốn tích cóp và vay mượn thêm của người thân để phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi gà thương phẩm. Hiện, gia đình anh Sơn đang chăn nuôi 2000 con gà thương phẩm. Để mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, anh Sơn đang tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thực tế.
Anh Sơn chia sẻ: " Trong phát triển kinh tế, nhất là chăn nuôi gia cầm thì cũng có thời điểm thu được lợi nhuận, nhưng cũng có thời điểm thì không có lãi vì còn phụ thuộc rất nhiều vào ảnh hưởng thời tiết, phát sinh dịch bệnh và giá cả thị trường. Song để thành công thì cần phải có sự kiên trì, ham học hỏi và quyết tâm cao".
Ngoài những mô hình kinh tế nói trên, xã Tràng Lương hiện còn có nhiều mô hình kinh tế khác của thanh niên. Việc mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế của thanh niên chính là để nuôi khát vọng vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, chung tay cùng địa phương phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, thông qua các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên cũng nhằm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp các bạn trẻ có điều kiện giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát triển kinh tế.