

Tọa đàm "Chuyển đổi số trong việc thúc đẩy học ngoại ngữ"
Mở đầu buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng tìm hiểu về khái niệm về chuyển đổi số; ảnh hưởng chuyển đổi số đối với cuộc sống của con người; chuyển đổi số trong quản lý giáo dục...
Các khách mời tham gia buổi toạ đàm đã cùng trao đổi các nội dung về: việc học Tiếng Anh vào những năm 1990 so với việc học Tiếng Anh ngày nay; Những thành tựu của việc Chuyển đổi số trong việc học ngoại ngữ; sự ảnh hưởng trực tiếp của Chuyển đổi số trong nền Giáo dục nói chung, ngoại ngữ và đặc biệt là Tiếng anh nói riêng; việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học tiếng Anh tại các nhà trường; những khó khăn khi giáo viên ngoại ngữ gặp phải khi giảng dạy Tiếng Anh, giải pháp khắc phục...
Chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và trong học ngoại ngữ nói riêng ngày càng trở thành xu thế tất yếu. Chuyển đổi số đảm bảo các cá nhân có thể phát triển việc học ngoại ngữ một cách bền vững, toàn diện và đáng tin cậy. Thông qua buổi Tọa đàm “Chuyển đổi số trong việc thúc đẩy học ngoại ngữ” đã mang lại một cái nhìn mới mẻ hơn về chuyển đổi số, về học tập ngoại ngữ, sự kết hợp giữa chuyển đổi số và học tập, đặc biệt là học ngoại ngữ thời kì hậu Covid; góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường và trong cộng đồng.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm - Thị ủy viên, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã, Phó BCĐ xây dựng xã hội học tập thị xã đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục; tận dụng tối đa các nền tảng số, góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; chủ động tổ chức hoạt động giáo dục linh hoạt và đảm bảo an toàn với thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Tăng cường công tác quản lý, chăm lo phát triển đội ngũ giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu; có giải pháp thu hút sự quan tâm, đầu tư của các tầng lớp xã hội, nhất là phụ huynh học sinh tham gia vào việc hỗ trợ con em học tốt môn tiếng Anh; chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên phát triển chương trình, nội dung dạy học môn Tiếng Anh theo chuẩn năng lực đầu ra của học sinh, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; tăng cường kiểm tra đánh giá hoạt động dạy học môn Tiếng Anh bảo đảm đạt chuẩn đầu ra bậc THCS đạt mức A1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện hành; chủ động nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên tiếng Anh của nhà trường để nâng cao chất lượng dạy và học nói chung và chất lượng dạy, học môn ngoại ngữ nói riêng./.