Người nông dân với niềm đam mê trồng cây ăn quả

14/07/2022 15:05

Khởi nghiệp từ ngày còn đi đấu thầu đất vào những năm 1997 và tình yêu với nông nghiệp, thanh niên Dương Văn Ký (thôn An Biên, xã Thủy An, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) ngày ấy đã phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả, thậm chí cả nợ nần. Không nản lòng, người nông dân xã Thủy An này đã đi qua các vụ vải, na, cam đường canh...để rồi đến với cây thanh long ruột đỏ như một lần nữa khẳng định niềm đam mê cháy bỏng với trồng trọt.

Trang trại rộng 2,5 ha với 2500 gốc cây thanh long


Nhìn trang trại rộng 2,5 ha với 2500 gốc cây thanh long, anh Dương Văn Ký luôn cười hồn hậu mỗi khi nhắc về quá khứ, dù đó là những tháng ngày cùng cực nhất của vợ chồng anh. Anh bắt đầu niềm đam mê trồng trọt từ cây vải. Nhiệt huyết cùng với sự chăm chỉ của người thanh niên ngày ấy đã vun vén cho hơn 300 gốc vải ra hoa, kết trái nhưng đến khi được thu hoạch lại bị rớt giá thê thảm. “Ngày ấy có chút tiền tích cóp, tôi dồn hết vào vườn vải nhưng cuối cùng lại thất bại”, anh Ký nhớ lại.

Cơ cực, vất vả là thế nhưng không thu được đồng nào từ vải, anh Ký lại “liều” phen nữa chặt hết vải để trồng na. Kinh nghiệm do “học mót” được từ cách trồng, chăm sóc đến thụ phấn cho hoa, vợ chồng anh lại mong ngóng kết quả từ loài quả mới này khi đến vụ.

Đúng là trời không phụ lòng người, vụ na đầu tiên vào năm 2003 vừa được mùa lại vừa được giá, đã giúp vợ chồng anh trang trải cuộc sống, trả hết nợ nần. Điều đó lại khiến anh càng có thêm niềm tin và động lực vào trồng loài cây ăn quả. Cứ thế vụ na tiếp theo, anh lại đầu tư, mở rộng diện tích đất trồng. Thế nhưng, ngay thời điểm có được thu nhập ổn định từ cây na, anh Dương Văn Ký đã nhận thấy thời điểm thoái trào, để rồi nghiên cứu chuyển sang một giống cây mới phát triển kinh tế. Năm 2008, bao nhiêu tiền thu được từ những vụ na, anh dồn tất cả để đầu tư cho khu trang trại mới rộng 2,5 ha ngay tại An Biên quê nhà.

“Trước khi xây dựng trang trại vợ chồng tôi đã có hướng trồng cây cam đường canh, nhưng xây dựng xong thì vốn liếng gần như không còn. Thế là phải vay mượn lại để đầu tư vào giống cây hoàn toàn mới” – anh Ký nói.

Chưa có kinh nghiệm, anh Ký phải mày mò lên tận huyện Văn Giang, Hưng Yên để tìm hiểu về giống cây ăn quả này. Cam đường canh trồng không tốn nhiều công như cây na mà năng suất lại lớn hơn rất nhiều, thế là vợ chồng anh lại quyết tâm “đánh cược” thêm lần nữa, vừa trồng trên đồi na đã phá, vừa mở rộng diện tích trồng ở khu trang trại mới gây dựng. Cần cù, chịu khó, hay tìm tòi về kỹ thuật, cách chăm sóc cam, năm 2016 - 2017, vụ cam đậu quả cho sản lượng 30 – 40 tấn/năm, lại được giá bán 50.000/kg, giời thương không phụ công vợ chồng anh.

Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì đại dịch Covid 19 xuất hiện trên thế giới, đầu năm 2020 bắt đầu ghi nhận một số ca mắc tại Việt Nam, khi đó kinh tế ít nhiều bị ảnh hưởng. Đỉnh điểm vào những ngày giáp Tết năm 2021, dịch tràn vào địa bàn thị xã Đông Triều, xã Thủy An lúc đó bị phong tỏa, mọi hoạt động giao thương, đi lại gần như cấm vận, ai ở đâu ở yên đó. “Cam đã đến vụ thu hoạch, thương lái thì không thể vào mua, được mùa rớt giá, thậm chí không cả có giá, cứ nghĩ đến cảnh cam chín rồi lần lượt rụng thối ở gốc mà vợ chồng tôi xót xa, đêm về không sao ngủ được,…” anh Ký nghĩ lại.

Vậy là một giai đoạn khó khăn mới của vợ chồng anh lại bắt đầu trong cái khó khăn chung của toàn thị xã, toàn tỉnh và cả nước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Ngay thời điểm bước sang năm thứ 10 trồng cam đường canh, anh Ký đã tính đến xoay chuyển hướng đi mới bởi tuổi thọ của cây cam cũng chỉ được vài năm, ai giỏi kỹ thuật, chăm bẵm thì được chục năm, và lần này nữa không chịu khuất phục, không chịu “đầu hàng”, anh Ký lại tìm cho mình một giống cây ăn quả mới, đó là thanh long ruột đỏ.

Cũng trên diện tích ấy, từ tiền bán đồi sau vụ cam ngày dịch cộng với số tiền vay mượn được, anh Ký đầu tư cho 2.500 gốc cây thanh long ruột đỏ. Anh chia sẻ, trồng qua rất nhiều loại cây ăn quả, đến thời điểm hiện tại có lẽ cây thanh long là mất ít công chăm sóc nhất. Đây là loài cây ưa sáng, cần nhiều ánh nắng, sâu bệnh ít, ưa cạn nên đất trồng cần thông thoáng, không bị ngập nước vào mùa mưa lũ. Với mật độ thưa, từ 900 – 1.100 trụ/ha đảm bảo cho việc đi lại, chăm sóc thuận tiện, những gốc thanh long được anh Ký trồng theo giàn với hệ thống tươi tiêu nhỏ giọt theo công nghệ hiện đại. Giống cây được chọn cũng phải là loại giống đạt chuẩn. Do đó, từ ngày bói quả đã cho thu hoạch đều đặn 12 lứa/năm với sản lượng khoảng 30 tấn, giá trung bình khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Có thể nói những tháng ngày khởi nghiệp của anh Ký gần như vừa mới bắt đầu lại từ những trái thanh long đỏ rực. Vẫn biết làm kinh tế từ nghề nông phải trải qua biết bao cơ cực, vẫn biết đây mới chỉ là năm thu hoạch đầu tiên, nhưng từ trong đôi mắt còn rực lửa đam mê, từ sự cần cù chịu khó học hỏi, tin rằng anh Dương Văn Ký sẽ không khuất phục trước bất cứ thất bại nào, trong tương lai không xa đây sẽ là loài cây mang lại thu nhập kinh tế ổn định cho gia đình, thậm chí nếu nhân rộng mô hình, biết đâu đây sẽ là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Hồng Ngát


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 438
Đã truy cập: 5634443