Nông dân thôn An Biên ổn định thu nhập từ cây hoa huệ

08/12/2021 20:29

Vài năm trở lại đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả kinh tế, nhiều hộ nông dân thôn An Biên, xã Thủy An đã chọn và đưa vào trồng loài hoa huệ thay vì trồng lúa, nâng cao năng suất, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.





Để chuẩn bị hoa phục vụ cho ngày rằm, mồng 1 và những ngày Tết tới đây, gia đình ông Nguyễn Viết Bách ở thôn An Biên, xã Thủy An đang tích cực bón cây, nhổ cỏ để kích thích hoa tăng trưởng và nở đúng dịp. Ông Bách chia sẻ: “Với gần một mẫu huệ, gia đình tôi phải trồng nối đuôi vì sự bình ổn của giá bán. Để huệ đạt năng suất cao, chúng tôi phải chú trọng chọn củ giống tốt, đều nhau, xử lý thuốc, nhằm hạn chế mầm bệnh ảnh hưởng đến năng suất sau này. Nếu một ruộng có 10 luống thì phân bố trồng 7 luống củ to, số luống còn lại trồng củ nhỏ hơn để dễ chăm bón và đuổi kịp nhau.”

Bình quân mỗi sào trồng 8 nghìn củ. Sau khi làm luống và trồng, cứ hơn một tháng hay khoảng 45 ngày thì bón một lượt phân, mỗi lượt bón 1 tạ phân lân, 50 kg phân tổng hợp và 20 bao phân gà/sào; tính từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ cần bón 03 lượt phân, sau đó phun thuốc cỏ màu và phủ túi bóng lên trên là được”. Vừa cặm cụi làm cỏ cho luống huệ, ông Bách chia sẻ thêm.

Cây hoa huệ có tên khoa học là Polianthes tuberose, là cây thân cỏ, dễ chăm sóc, sống và cho hoa quanh năm, gốc có củ trắng, phình to, thân thẳng đứng và có chiều cao từ 0,8-1,26m tùy theo từng loại giống. Đây là một loài hoa đặc biệt, có màu trắng, có khả năng nở và tỏa hương về ban đêm với mùi hương ngào ngạt. Ở Việt Nam, hoa huệ dùng để cắm trong các dịp cúng, lễ, ngày rằm, còn gọi là huệ ta.

Với nhiều vùng đất trũng vốn để trồng lúa, tốn nhiều thời gian chăm sóc, hiệu quả kinh tế lại thấp, sau nhiều lần “thí nghiệm”, người dân địa phương nhận thấy trồng hoa huệ có năng suất cao, mang lại thu nhập ổn định nên nhiều hộ đang dần chuyển sang trồng huệ và gắn bó với nghề này. Hiện nay thôn An Biên có khoảng trên 20 hộ trồng với tổng diện tích trên 5 ha; xóm nào trong thôn cũng có hộ trồng hoa huệ, người trồng nhiều thì hơn 2 mẫu, ít thì 2 - 3 sào.

Ông Nguyễn Viết Hệ, Phó Bí thư chi bộ, phó trưởng thôn An Biên cho biết: “thôn An Biên chúng tôi có khoảng trên 20 hộ tham gia mô hình trồng hoa huệ, nhà trồng nhiều cũng khoảng hơn 2 mẫu, mặc dù chỉ vài năm trở lại đây nhưng tôi thấy mô hình này khá hiệu quả vì vừa tạo công ăn việc làm cho bà con, vừa tạo thu nhập ổn định. Với hiệu quả như vậy tôi tin mô hình này sẽ có khả năng phát triển và được nhiều hộ tham gia hưởng ứng.”

Cái hay của loài hoa này là trồng bằng củ, chỉ trồng 01 lần là cho thu hoạch quanh năm, khoảng 3 - 4 tháng tuổi, huệ sẽ cho thu hoạch 01 lần. Sau 01 năm cho hoa nếu hoa không còn được đẹp, người trồng có thể đào củ lên, xới lại đất và trồng vụ mới. Tùy theo bông nhiều, hay ít, nở đúng hoặc sau ngày 30, mùng 1 hay 14 và ngày rằm Âm lịch hàng tháng mà giá bán có phần khác nhau, dao động từ 10.000 đồng đến 20.000 – 25.000 đồng/ 1 chục bông. Tuy nhiên thời điểm rằm tháng 7, giáp Tết Nguyên đán, huệ dễ bán và được giá nhất, do vậy nên lựa chọn thời điểm xuống giống thích hợp để thu lãi cao. Đến kỳ thu hoạch, thương lái sẽ đến tận nơi thu mua tại ruộng.

Ông Nguyễn Vũ Khiêm - Chủ tịch UBND xã Thủy An cho biết thêm: “Năm 2021, xã Thủy An phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi xác định tiêu chí thu nhập cho người dân là tiêu chí quan trọng để nâng cao đời sống cho nhân dân. Là một xã thuần nông, địa phương đã tập trung liên kết sản xuất một số giống cây trồng chủ lực, trong đó xã đã phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã mở lớp đào tạo nghề trồng hoa cho lao động nông thôn và trồng thí điểm cây hoa huệ với diện tích trên 5ha. Hiện nay cây hoa huệ cho thu nhập tương đối ổn định, giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Trong kế hoạch phát triển sản xuất, xã xác định sẽ mở rộng diện tích; vận động, tuyên truyền bà con nhân dân trồng hoa và liên kết để tiêu thụ sản phẩm.”

Dùng hoa huệ trong các dịp lễ tết, ngày rằm đã là một thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, vì vậy nhu cầu tiêu thụ hoa huệ là rất lớn. Với những kiến thức đã được tập huấn, đào tạo cùng với kinh nghiệm trồng huệ trong thực tế, tin rằng khi được quy hoạch vùng sản xuất tập trung và mở rộng diện tích sản xuất, cây huệ sẽ đem lại nguồn thu nhập cao, từ đó giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống.

Hồng Ngát


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 195
Đã truy cập: 5835427