

Cà ra còn gọi là cua lông, có hình dáng gần giống như con rạm vùng đồng bằng nhưng to hơn con rạm, thậm chí có con cà ra nặng đến 2 lạng. Cà ra rất kén môi trường sống, chỉ có ở những nơi khi có nước biển tràn vào mang vị mặn, nhưng khi nước biển rút vẫn là nước ngọt. Hiện, cà ra chỉ tồn tại trong tự nhiên, chưa ai nuôi được. Sông Đá Bạc mang nét hoang dã, có đủ yếu tố nguồn nước nói trên, rất thích hợp là nơi sinh sống của cà ra.
Ông Khang tâm sự: “ Gia đình tôi chuyển ra đầm ao gần sông Đá Bạc này được khoảng 10 năm nay. Trước đây, gia đình tôi chủ yếu cấy lúa nhưng sau thấy hiệu quả kinh tế không cao đã chuyển sang phát triển mô hình khai thác nuôi con rươi, con cáy, con rạm và kết hợp với đánh bắt cà ra. Với tổng diện tích trên 3 haao đầm cùng việc tận dụng nghề đánh bắt thêm thủy sản trên sông, gia đình tôi bình quân mỗi năm đều thu nhập được khoảng trên, dưới 500 triệu đồng. Để phát triển có hiệu quả mô hình này, ngoài việc chủ động nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm thì gia đình tôi đã được địa phương quan tâm động viên, hỗ trợ thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời cũng nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đã đầu tư nâng cấp đường giao thông ở vùng nuôi thủy sản nên đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi phát triển tổng hợp mô hình này”.
Trên dọc dòng sông Đá Bạc đoạn đi qua địa phận của xã Yên Đức có 26 hộ phát triển mô hình nuôi thủy sản. Ngoài việc phát triển có hiệu quả mô hình, nhiều hộ dân trong đó có gia đình ông Khang còn tận dụng làm thêm nghề đánh bắt cà ra.
Theo người dân ở xã Yên Đức cho biết, Cà ra chỉ xuất hiện theo mùa và chúng leo trèo rất giỏi. Từ nhiều năm nay, cà ra chỉ thích hợp sống ở môi trường tự nhiên và chưa có ai nuôi được. Đồ nghề bắt cà ra, đó là lưới đánh cá hoặc bằng những chiếc lồng dài từ 4-5m ( mọi người vẫn gọi là lồng bát quái), khi cần có thể gập gọn lại được. Nhưng bắt cà ra bằng lưới rất vất vả, vì chủ yếu bắt vào ban đêm nên phải thức suốt đêm trên sông. Nhưng khi sử dụng “lồng bát quái” để bắt cà ra thì nhàn hơn và có thể bắt được nhiều hơn. Khi đánh bắt cà ra thì phải để mồi bằng khá khô trong lồng, thường thả lồng vào buổi chiều hôm trước và đến buổi chiều hôm sau theo xuồng thuyền ra sông thu lưới.
Hiện nay, số lượng cà ra bắt được giảm hơn, được nhiều người tiêu dùng yêu thích nên giá bán cũng cao hơn với giá dao động từ 200 đến trên 400 ngàn đồng / cân tùy theo size kích cỡ của con cà ra.
Ông Nguyễn Văn Khang – Người được mệnh danh là “ thợ” chuyên săn bắt cà ra ở xã Yên Đức chia sẻ thêm: “ Khi bắt được bao nhiêu cà ra, các lái buôn đều đến tận nơi thu mua hết. Cà ra to, người ta thường dùng để hấp hay ăn lẩu. Cà ra nhỏ thì bóc vỏ, bỏ càng, chặt đôi, rồi cho vào chảo chao mỡ hoặc giã nhỏ nấu canh với rau hoặc nấu riêu chua. Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn bổ dưỡng”.
Có thể nói, việc đánh bắt cà ra đã đem lại một nguồn lợi không nhỏ cho người làm nghề, cũng như tạo ra nét rất riêng cho hương vị ẩm thực của người dân nơi đây. Để bảo tồn phát triển có hiệu quả mô hình này, mỗi người dân khi khai thác mô hình này cần nêu cao ý thức giữ cho môi trường trong sạch để bảo tồn nguồn con giống.