


Trước tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt từ ngày 30/5/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục phát sinh nhiều ca F0, nhiều tỉnh, thành trong cả nước vẫn đang áp dụng các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát dịch bệnh nên việc tiêu thụ na và các nông sản khác trên địa bàn thị xã trong thời gian tới được xác định là sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cần phải có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy hoạt động tiêu thụ, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trên địa bàn thị xã, hiện nay và trong thời gian tới bên cạnh các nông sản như: Củ đậu, nhãn, chuối xanh, rau xanh, thịt lợn, gà, vịt thịt, trứng gia cầm, sữa bò và cá nước ngọt, địa phương còn có quả na là nông sản chính, chiếm sản lượng lớn sắp đến kỳ thu hoạch. Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, tổng diện tích na toàn thị xã có gần 900 ha, sản lượng ước tính xấp xỉ 9000 tấn quả, trong đó tập trung chủ yếu tại 6 xã, phường gồm Việt Dân 200ha, xấp xỉ 3.000 tấn quả; An Sinh gần 500ha, xấp xỉ 3.800 tấn quả; Tân Việt 75ha, xấp xỉ 700 tấn quả; Bình Khê trên 50ha, xấp xỉ trên 500 tấn quả; Tràng An gần 20ha, xấp xỉ trên 140 tấn quả; Bình Dương 50ha, xấp xỉ 650 tấn quả. Từ trước tới nay, việc tiêu thụ na vẫn tập trung tại các thị trường chính là Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa… và hình thức tiêu thụ chủ yếu do thương lái tới thu mua tận nơi.
Tham gia thảo luận, nêu ra ý kiến để đi đến thống nhất, đại diện các cơ quan, tổ chức, hợp tác xã (HTX), các đơn vị tiêu thụ sản phẩm đã trao đổi, bàn về các giải pháp tối ưu nhất để tiêu thụ na và các nông sản khác trên địa bàn. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: phương án liên hệ với thương lái để tiêu thụ sản phẩm; đề xuất hỗ trợ phương thức vận chuyển nông sản qua các chốt, trạm; tạo điều kiện cho các tổ tiêu thụ, thương lái được xét nghiệm Covid – 19 sớm, tạo điều kiện tiêm vacxin đối với hộ gia đình có nhiều na; lập chốt xét nghiệm tại điểm chốt cổng tỉnh…
Trên cơ sở nhận định tình hình, đại diện phòng Kinh tế cũng đưa ra các phương án tiêu thụ na và các nông sản khác cụ thể đối với từng địa phương ứng với từng thời điểm và dự phòng các trường hợp dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn. Chỉ còn khoảng 10 – 15 ngày nữa là đến kỳ thu hoạch chính, trên cơ sở nhận định về diện tích, sản lượng thu hoạch, phòng Kinh tế đưa ra một số giải pháp chủ yếu cả trước mắt và lâu dài như vận động người dân thực hiện biện pháp chăm sóc Na theo quy trình VietGap; đảm bảo chất lượng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch; phối hợp với Sở Công thương tổ chức kết nối tiêu thụ, kích cầu tiêu dùng thông qua “Tuần tiêu thụ sản phẩm Na Đông Triều”, tập huấn, hướng dẫn hộ trồng na bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, trong cả nước và của địa phương là ”Đông Triều Mart”, các trang mạng xã hội như facebook, zalo.... Tổ chức kêu gọi, phát động “Người Quảng Ninh ưu tiên tiêu thụ Na Đông Triều” đối với cán bộ, đảng viên, LLVT, công nhân ngành Than, cán bộ, giáo viên, người lao động trong các doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, phòng kinh tế còn lên kế hoạch dự phòng tiêu thụ na và các nông sản khác trong các trường hợp dịch bệnh có thể xảy ra như: trường hợp trên địa bàn thị xã chưa có ca F0, các địa phương khác tình hình dịch bệnh phức tạp; trường hợp có ca F0, một số địa phương thực hiện cách ly, phong tỏa và trường hợp trên địa bàn có nhiều ca F0, toàn thị xã thực hiện giãn cách, một số khu vực thực hiện cách ly.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, thảo luận của đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân, thương lái, phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Đán – Phó Chủ tịch UBND thị xã đã yêu cầu phòng Kinh tế là cơ quan chủ trì, đầu mối, phối hợp với các xã, phường rà soát lại một lần nữa tổng diện tích, sản lượng, các đầu mối thu mua, thương lái, cơ bản nhận diện được sức tiêu thụ quả na và các nông sản khác, dự báo sản lượng còn tồn trên địa bàn thị xã; phải thường xuyên nắm bắt thông tin về thị trường tiêu thụ, giá cả, để hoàn thiện phương án, có định hướng, giải pháp phù hợp với thực tế. Đồng thời, phía các đơn vị xã, phường phải chủ động rà soát các khâu, từ số lượng đến chất lượng, thông tin kịp thời, phối hợp chặt chẽ với phòng Kinh tế nắm bắt tình hình thương lái trong và ngoài tỉnh, phải xác định tiêu thụ sản phẩm trong trạng thái bình thường, chủ động, trường hợp xấu nhất mới tính đến phương án vận động, giải cứu. Phải chủ động liên kết với các tỉnh, các vùng khác, các trung tâm thương mại, các sàn thương mại điện tử để xúc tiến, quảng bá thương hiệu. Trong đó đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm phải được đảm bảo gắn với mẫu mã bao bì sản phẩm đẹp mắt, thuận lợi cho việc vận chuyển. Đồng chí cũng nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và thương lái có thể đến và vận chuyển nông sản trên cơ sở đảm bảo tốt các yêu tố về phòng, chống dịch bệnh. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cùng chung tay với nông dân trong việc tiêu thụ nông sản thông qua việc tuyên truyền, quảng bá, đẩy mạnh liên kết với các đơn vị bạn trong và ngoài tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã cũng nhấn mạnh: mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, xã, phường không được chủ quan, lơ là, quan tâm cả các diện tích trồng na ít, nhỏ lẻ, mỗi người dân có ý thức gắn lao động sản xuất với phòng chống dịch bệnh thì mọi khó khăn đều có thể khắc phục.