Vị trí địa lý

14/12/2022

Đông Triều nằm trong dải cánh cung Đông Triều - Móng Cái, chạy dài theo hướng Tây - Đông; kiến tạo địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam. Phía Bắc cao nhất là núi Yên Tử với độ cao 1.068m, núi Bảo Đài cao 875m. Phía Nam thấp nhất là vùng bãi bồi, trũng ngập nước ven sông Đá Bạc (UBND thị xã Đông Triều, 2021).

Địa hình của thị xã Đông Triều khá đa dạng, vừa có đồi núi vừa có đồng bằng ven sông, trong đó có 2/3 diện tích là đồi núi dốc nghiêng từ Bắc xuống Nam. Ở phía bắc và tây bắc của thị xã là vùng đồi núi thuộc cánh cung Đông Triều, còn ở phía nam là vùng đồng bằng ven sông. Về cơ bản địa hình của thị xã Đông Triều chủ yếu được chia thành 3 vùng chính:

- Vùng đồi núi phía bắc: độ cao trung bình từ 300 - 400m so với mặt nước biển, đỉnh cao nhất là Am Váp 1.031m, đoạn giữa đứt gãy tạo thành thung lũng lớn Bình Khê – Tràng Lương. Khu vực này bao gồm ba xã: Tràng Lương, An Sinh, Bình Khê. Điều kiện đất đai tại vùng này phù hợp với việc phát triển trồng rừng, trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc.

- Vùng giữa: Đây là vùng chuyển tiếp giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng phía nam, bao gồm các khu vực phía bắc quốc lộ 18A từ xã Bình Dương đến Hồng Thái Đông, địa hình đồi thấp xen kẽ đồng bằng, nhiều đất phù sa cổ, phù hợp với phát triển các loại cây trồng lâu năm, cây công nghiệp và canh tác lúa.

- Vùng đồng bằng phía nam: Bao gồm toàn bộ khu vực phía nam quốc lộ 18A từ xã Bình Dương đến xã Hồng Thái Đông với phần địa hình tương đối bằng phẳng. Đất đai ở vùng này tương đối phì nhiêu do thường xuyên được bồi đắp phù sa chủ yếu từ sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc. Với điều kiện đất đai màu mỡ, giàu phù sa, khu vực này rất phù hợp với việc trồng lúa, các loại hoa màu và nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt (UBND thị xã Đông Triều, 2021).



Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 518
Đã truy cập: 5835750